Về cơ sở xây dựng giá vé Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với Thanh Niên chiều 3.3, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, cho biết trước đó Công ty trình 3 phương án giá vé và được thành phố chấp thuận phương án 2, đưa ra lấy ý kiến người dân.
Cụ thể, toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa với 12 ga, trung bình 1 km có 1 ga. Theo dự thảo phương án đang được đưa ra lấy ý kiến, với vé lượt, nếu đi từ ga đầu (Cát Linh) đến ga thứ 3 (Thái Hà), giá vé thấp nhất 8.000 đồng/lượt, 2 ga tiếp theo giá vé là 10.000 đồng/lượt và tăng dần lên 15.000 đồng/lượt và 30.000 đồng/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến).
|
“Phương án giá vé chúng tôi đã nghiên cứu nhiều năm và có sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài. Công ty cũng đã lấy ý kiến khảo sát của hơn 1.500 người dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kết quả đa số ý kiến chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30 - 37%; giá vé tháng cao hơn 15 - 20%”, ông Trường cho biết.
“Trước đây khi chúng tôi đưa ra phương án giá vé, nhiều người nói 30.000 đồng/ngày thì đi cả tháng 900.000 đồng cao quá. Nói như thế không đúng”, ông Trường nói, và cho biết giá vé tháng dự kiến là 200.000 đồng. Mức vé 30.000 đồng/ngày tính gộp 2 lượt đi về sẽ hướng nhiều tới đối tượng khách du lịch là những người có nhu cầu đi lại nhiều ga, nhiều lượt trong ngày.
|
Theo nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, với quãng đường 6,5 km, nhiều nước thường áp dụng giá vé metro mức thấp nhất là 0,8 USD (khoảng 18.000 đồng), cao nhất 2,2 USD (khoảng 50.000 đồng).
Theo mức giá này, giá vé metro Cát Linh - Hà Đông (được trợ giá) khá thấp khi 6,5 km đầu tiên giá vé dự kiến được áp dụng là 11.000 đồng. Nếu so sánh, giá xe ôm công nghệ như Grabbike từ Yên Nghĩa lên Cát Linh có giá 70.000 đồng/lượt, taxi khoảng 140.000 đồng/lượt.
Anh Bùi Ngọc Hân đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cho biết, tại Nhật nếu đi gần thì giá tàu rẻ hơn giá xe buýt, ngược lại đi đường dài giá xe buýt lại rẻ hơn vé tàu.
Cụ thể, nếu di chuyển bằng vé lượt từ ga đầu đến ga tiếp theo gần nhất (cách nhau 2,5 - 3 km) giá vé khoảng 140¥ (30.000 đồng). Nếu 6 km (2 ga) giá vé khoảng 60.000 đồng. Tại Nhật, vé tháng không rẻ hơn vé ngày, chỉ thấp hơn khoảng 20%. Tuy nhiên vé tháng liên tuyến sẽ được hỗ trợ nhiều hơn so với vé tháng 1 tuyến.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị, Bộ GTVT - đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu đang hoàn tất các bước cuối cùng như lắp đặt lan can, thang máy… trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại vào tháng 4 tới.
Dự án Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử kỹ thuật từ tháng 9.2018 tới nay. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu, tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.
|
Bình luận (0)