Khủng hoảng vì Jerusalem

08/12/2017 07:20 GMT+7

Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vấp phải sự phản đối gay gắt khắp thế giới và có nguy cơ kích ngòi xung đột.

“Israel là một quốc gia chủ quyền có đầy đủ quyền như mọi nước khác trong việc xác định thủ đô. Tôi quyết định đã đến lúc để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, Tổng thống Trump tuyên bố, đồng thời kêu gọi bình tĩnh trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 6.12.
“Đây chỉ là sự công nhận thực tế, một điều đúng đắn cần phải làm. Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu Israel và Palestine nhất trí”, ông Trump cho hay. Tổng thống Trump đồng thời tuyên bố bắt đầu tiến trình chuyển đại sứ quán Mỹ tại TP.Tel Aviv đến Jerusalem, có thể mất vài năm.
Cho đến tối qua, chỉ có duy nhất Israel hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là “bước ngoặt lịch sử và quan trọng nhằm hướng đến hòa bình”.
Reuters dẫn lại tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6.12 cho hay Washington đã yêu cầu Israel kiềm chế trong phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Trump. “Chúng tôi dự đoán sẽ có sự phản đối gay gắt từ Trung Đông và khắp thế giới. Chúng tôi vẫn đang đánh giá tác động của quyết định này đối với cơ sở ngoại giao, nhân sự và công dân Mỹ ở nước ngoài”, theo tài liệu chỉ dẫn dành cho các nhà ngoại giao tại đại sứ quán Mỹ ở Israel và các nước châu Âu. Tài liệu thứ hai cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập nhóm đặc nhiệm nội bộ chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến khắp thế giới sau quyết định về Jerusalem. Bộ này cũng cảnh báo công dân, nhà ngoại giao tránh xa khu vực tập trung đông người ở các nước Trung Đông, hạn chế đến Jerusalem do có nguy cơ bất ổn.
Trái lại, hàng loạt quốc gia trên thế giới, bao gồm nhiều nước Hồi giáo và thậm chí cả đồng minh của Mỹ ở phương Tây, lên án động thái này, cảnh báo nguy cơ gây bất ổn, kích ngòi xung đột, đồng thời yêu cầu Washington rút lại tuyên bố. Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu tập và trao công hàm phản đối cho đại sứ Mỹ tại thủ đô Baghdad. “Chính phủ Mỹ phải rút lại quyết định này nhằm tránh căng thẳng leo thang, kích ngòi chủ nghĩa cực đoan và tạo cớ cho các nhóm khủng bố”, theo công hàm.
Lãnh đạo các nước Hồi giáo đưa ra những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án động thái của ông Trump, theo AFP.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích quyết định của ông Trump “đẩy thế giới, nhất là khu vực Trung Đông, vào biển lửa, vi phạm các nghị quyết của LHQ”. Khoảng 1.500 người tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul biểu tình phản đối ông Trump. “Mỹ đã tháo ngòi quả bom sẵn sàng phát nổ trong khu vực”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo.
Ả Rập Xê Út gọi động thái của ông Trump là “vô trách nhiệm”, còn Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei chỉ trích Mỹ “khiêu khích người Hồi giáo” và gây bất ổn khu vực.
Giáo hoàng Francis cùng các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ý cũng phản đối động thái “đơn phương” của ông Trump. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là duy nhất và vấn đề Jerusalem phải được dàn xếp thông qua đàm phán trực tiếp.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố Moscow sẽ kịch liệt phản đối quyết định của Tổng thống Trump trong phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra hôm nay. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích Mỹ làm phức tạp tình hình Trung Đông và gây chia rẽ cộng đồng thế giới.
Tình hình bất ổn bắt đầu có dấu hiệu nhen nhóm với những cuộc biểu tình bùng phát tại Dải Gaza và khu Bờ Tây trong ngày 7.12. Quân đội Israel tuyên bố tăng cường lực lượng ở khu Bờ Tây sau khi thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine, ông Ismail Haniyeh kêu gọi tiến hành cuộc nổi dậy và biểu tình chống lại Israel và Mỹ. Hamas còn tuyên bố quyết định về Jerusalem đã “mở cổng địa ngục” cho những lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, thủ lĩnh nhóm vũ trang Harakat Hezbollah al-Nujaba, ông Akram al-Kaabi tuyên bố đây là “lý do chính đáng” để tấn công lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq. Hàng ngàn binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Iraq nhằm giúp nước này chống lại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.