Chiều nay, 26.3, tại hội thảo rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, câu chuyện bất bình đẳng giữ taxi truyền thống và Uber, Grab một lần nữa lại được xới lên.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng hiện taxi truyền thống chịu quá nhiều thủ tục, điều kiện nên thiệt thòi so với Uber, Grab, khiến sức cạnh tranh yếu. Vì vậy, ông Hùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khi sửa Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải tới đây, cần có cơ chế quản lý chung cho taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ, bởi bản chất đều dùng xe dưới 9 chỗ để kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đề nghị không nên rút ngắn chu kỳ kiểm định xe còn 6 tháng, mà nên giữ nguyên 12 - 24 tháng như trước; hoặc bỏ quy định kiểm định đồng hồ tính tiền, vì doanh nghiệp đã niêm yết giá, đăng ký giá rồi, chỉ nên chuyển qua hậu kiểm, nếu phát hiện sai thì mới phạt… “Hay việc thay đổi giá dưới 5% thì không cần xin phép mà chỉ kê khai, bởi Uber, Grab tăng giá giờ cao điểm rất nhiều mà không ai quản lý”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Uber, Grab định giá dựa vào quan hệ cung cầu trên thị trường, còn chấp nhận hay không thì khách hàng vẫn có quyền từ chối không đi nếu tăng cao giờ cao điểm. “Khi cầu lớn hơn cung thì họ (Uber, Grab) sẽ giảm giá. Do đó, bắt taxi công nghệ phải theo tư duy truyền thống thì không nên”, PGS Ngô Trí Long bày tỏ.
Dù vậy, ông Long cũng thừa nhận đúng là taxi truyền thống bị ràng buộc nhiều, do đó, cần giảm bỏ điều kiện kinh doanh để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, ví dụ như quy định kê khai giá cước vận tải bằng xe taxi. Bởi theo chuyên gia này, thị trường vận tải hành khách đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều. Hiện nay, không còn hiện tượng xe taxi tăng giá như trước kia, do đó, Nhà nước cần điều chỉnh kịp thời để giảm gánh nặng tuân thủ cho ngành taxi.
Theo rà soát của chuyên gia này, khi so sánh về điều kiện, quy định kinh doanh giữa xe taxi và xe hợp đồng điện tử, kết quả là có 31 điều kiện, quy định giống nhau; 9 điều kiện, quy định khác nhau, nhưng tương đồng (tức là có sự khác biệt do đặc thù khác nhau của hai loại phương tiện, ví dụ: taxi được giao dịch bằng cách vẫy, còn xe hợp đồng điện tử được giao dịch qua ứng dụng, và sự khác biệt này không gây ra bất bình đẳng); 11 điều kiện, quy định khác nhau.
Ông Long kiến nghị, trong số 11 điều kiện, quy định khác nhau giữa xe taxi và xe hợp đồng điện tử, nên cân nhắc sửa đổi để đảm bảo công bằng. Như đối với xe taxi, nên sửa đổi và bãi bỏ 3 quy định về số xe tối thiểu (50 xe ở Hà Nội, TP.HCM và 10 xe ở tỉnh, thành phố khác), vì đặt ra yêu cầu quy mô là cách tiếp cận lạc hậu, chỉ cần quy định cụ thể về kỹ thuật và tiêu chuẩn mà mọi doanh nghiệp phải đáp ứng. Hay việc phải chịu quy hoạch số lượng phương tiện tối đa cũng nên bỏ...
TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế T.Ư, cũng đồng tình với việc rất nhiều điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống cần bãi bỏ, và cần bãi bỏ ngay cả khi không có Uber, Grab. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, cần loại bỏ tư duy kinh doanh là phải làm từ đầu đến cuối, bởi họ chỉ kinh doanh một công đoạn, như dịch vụ phần mềm kết nối của Uber, Grab. “Cho nên, công bằng trong môi trường kinh doanh không phải là ở chỗ đó mà ví dụ như phải có nghĩa vụ về thuế, qua đó ta yêu cầu cần có hiện diện thương mại bằng pháp nhân Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Bà Trịnh Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải), cho biết luật Giao thông vận tải đường bộ ra đời năm 2008, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ chưa phát triển, nên sẽ tiếp thu các ý kiến để có điều chỉnh khi xây dựng nghị định thay thế, hoặc kiến nghị sửa luật.
Tuy nhiên, theo bà Nga, với các điều kiện kinh doanh thì nhiều nội dung vẫn còn gây cách hiểu khác nhau là điều kiện hay quy chuẩn, tiêu chuẩn. “Qua quá trình rà soát, nhiều điều kiện về gia nhập thị trường đã được bãi bỏ. Còn các điều kiện phát sinh trong quá trình hoạt động thì sẽ được đơn giản tối đa”, bà Nga cho biết.
Bình luận (0)