Lo xoá bỏ đại lý, tổng đại lý kinh doanh gas gây thiệt cho người tiêu dùng

09/04/2018 15:15 GMT+7

Việc xóa bỏ hệ thống đại lý , tổng đại lý phân phối khí (gas) theo dự thảo nghị định mới có thể khiến giá cả khó kiểm soát, khi cháy nổ thì trách nhiệm cũng bị đứt đoạn, khiến người tiêu dùng thiệt thòi.

Sau khoảng 1 năm rưỡi lấy ý kiến về điều kiện kinh doanh khí LPG (gas), dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo vẫn gây ra nhiều quan ngại, ý kiến trái chiều.

Nếu như trước đây, vấn đề gây tranh luận nhất là câu chuyện rào cản gia nhập thị trường khi quy định quy mô như thương nhân phân phối phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3,... thì lần này, chuyện bãi bỏ hệ thống phân phối với tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG (gas) là nội dung gây nhiều lo ngại nhất khi các bộ, ngành cho ý kiến.

Cụ thể, tại dự thảo mới nhất, điều 32 về cửa hàng bán lẻ LPG chai, Bộ Công thương quy định: “Chỉ được bán LPG chai của thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực mà cửa hàng đã ký hợp đồng còn hiệu lực”.

Góp ý nội dung này, theo Bộ Tài chính, như vậy nghĩa là cửa hàng bán lẻ LPG chai chỉ mua trực tiếp LPG chai từ thương nhân kinh doanh khí, cũng có nghĩa là sẽ không còn hình thức đại lý, tổng đại lý. “Cần đánh giá tác động, phương án sắp xếp, xử lý đối với các hình thức phân phối này, vì đây là nội dung quan trọng quy định điều kiện kinh doanh đối với loại hình hàng hóa đặc biệt”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Đặc biệt, Bộ này khuyến cáo, việc bỏ hệ thống này sẽ khiến hệ thống phân phối dọc không còn tồn tại xuyên suốt từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến khâu tiêu dùng; đồng thời, điều này sẽ ảnh hưởng đến khâu kiểm soát giá, đăng ký giá và kê khai giá, cũng như quy trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ.

Vẫn theo Bộ Tài chính, đối với kinh doanh khí, bất cập nhất là hiện tượng chiếm dụng bình, cắt tai, mài vỏ, dẫn tới nguy cơ cháy nổ rất cao, mất an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, việc truy cứu trách nhiệm khi xảy ra cháy nổ cũng rất khó khăn, do chai LPG sau khi đi vào hệ thống phân phối, quá trình đổi trả khi mua bán khí dẫn tới khó kiểm soát.

Tương tự, nội dung mới tại điều 32 của dự thảo cũng khiến một số chuyên gia lo ngại, nguy hiểm nhất của việc xóa bỏ hệ thống đại lý, tổng đại lý là khi có loạn giá hoặc sự cố mất an toàn thì việc truy xuất trách nhiệm bị gián đoạn do tình trạng “mua đứt bán đoạn trên thị trường”, mà không qua hệ thống phân phối hoàn chỉnh. “Điều này chẳng khác nào thả gà ra đuổi, khiến quyền lợi người tiêu dùng không được bảo đảm”, một chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Gas, việc bỏ khâu đại lý, tổng đại lý là tạo kẽ hở lớn để chai LPG không đảm bảo an toàn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước không thể theo dõi, kiểm tra ngăn chặn các hành vi chiếm dụng chai LPG lưu thông.

Cùng với đó, hệ thống phân phối kinh doanh khí vốn đã được hình thành và phát triển theo chuỗi thống nhất từ đầu nguồn tới tận tay người tiêu dùng, nếu dự thảo nghị định xóa bỏ hệ thống phân phối sẽ dẫn đến thị trường kinh doanh LPG sẽ xáo trộn, khó kiểm soát nguồn cung và giá cả.

Dù vậy, trong giải trình tiếp thu mới nhất, Bộ Công thương lý giải, Nghị định 19/2016 quy định phân phối LPG thông qua thương nhân phân phối rồi đến tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ LPG chai sẽ tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho doanh nghiệp.

"Việc buộc các thương nhân phải có tổng đại lý hoặc đại lý để phân phối các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh, và do đó sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng chất lượng và giá cả", Bộ Công thương lập luận. 

Tuy nhiên, quan điểm trên của Bộ Công thương lại trái ngược với suy nghĩ của các thương nhân phân phối.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas tại phía Nam (xin giấu tên) khẳng định, do gas là mặt hàng kê khai giá, và giá bán lẻ là giá đến tay người tiêu dùng, còn hệ thống đại lý, tổng đại lý của doanh nghiệp đã được hưởng hoa hồng theo thỏa thuận nhưng nằm trong giá kê khai này, nên không có chuyện vì qua tổng đại lý thì giá bị đẩy lên hay xuống đại lý thì giá bị nâng lên tiếp.

“Cũng tương tự như kinh doanh xăng dầu, hay giá sữa, giá bán đến tay người dân chính là giá doanh nghiệp đầu mối kê khai, không vượt quá mức trần mà liên bộ Công thương - Tài chính công bố trong mỗi kỳ điều hành. Đại lý, tổng đại lý phải niêm yết giá bán đó và được hoa hồng định mức, chứ không có quyền nâng giá bán lẻ, nên không có chuyện ảnh hưởng về giá khi tới tay người dân”, vị này dẫn chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.