(TNO) Mức lương của một số vị trí lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mới công khai cho thấy ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này có mức lương cao nhất TKV, đạt 639 triệu đồng/năm (khoảng 53,2 triệu đồng/tháng). Thực tế, thu nhập của lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước luôn là điều dư luận hoài nghi.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: "Lương lãnh đạo tập đoàn 50 - 60 triệu đồng không phải là cao"
- Ảnh: Ngọc Thắng |
Người có mức lương cao thứ hai của TKV là ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc, đạt mức lương 589,5 triệu đồng/năm (trung bình khoảng 49 triệu đồng/tháng).
Cũng theo TKV, tập đoàn này hiện có 19 cán bộ là viên chức quản lý (gồm thành viên Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên), tổng quỹ lương của các cán bộ này trong năm 2014 đạt 9,45 tỉ đồng. Năm 2014, TKV đạt mức doanh thu trên 79.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.118 tỉ, giảm khoảng 200 tỉ đồng so với năm 2013. Lương lao động bình quân của cán bộ tập đoàn này năm 2014 đạt 8,2 triệu đồng/tháng.
Nhận xét về điều này, tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng mức lương của lãnh đạo TKV và một số lãnh đạo tập đoàn khác được công bố gần đây so với qui mô của các tập đoàn kinh tế đó không phải là cao.
“Chúng ta cứ đối chiếu với khu vực tư nhân, các tập đoàn tư nhân… là thấy. Tôi không bức xúc gì về lương của cán bộ tập đoàn 50-70 triệu đồng cả, vì thực sự nó không phải là cái gì lớn lắm so với qui mô của tập đoàn đó. Tôi cho là quan trọng nhất, thu nhập đó là thu nhập thực và không có một khoản tiêu cực nào khác thì đó mới là tốt”, ông Lịch nói.
Cũng theo ông Lịch, lương của một số lãnh đạo tập đoàn nhà nước hiện này còn căn cứ trên tỷ suất lợi nhuận và qui mô. Như TKV, hay Tập đoàn dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực ( EVN)… đều là những tập đoàn có qui mô quản trị quá lớn, trách nhiệm lãnh đạo cao, vì vậy không nên đem mức tiền lương của lãnh đạo các tập đoàn này mà so với các doanh nghiệp nhà nước khác, vì nó phải gắn với trách nhiệm. "Chỉ nên tính nó tăng, giảm so với hiệu quả sản xuất, lợi nhuận của tập đoàn đó như thế nào. Nếu lợi nhuận giảm, thua lỗ mà lương anh lại tăng cao mới là điều phải xem xét”, ông Lịch bày tỏ quan điểm.
Mặc dù vậy, ông Lịch cho rằng điều quan trọng là với những mức lương được hưởng, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước phải đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả và minh bạch.
“Công bằng mà nói, nhiều tập đoàn kinh tế, nhiệm vụ kinh tế, xã hội không minh bạch, nên đánh giá phải đánh giá tổng thể chứ không nên chỉ dừng lại ở đánh giá hiệu quả tài chính. Tôi thực sự mong muốn đã là các tập đoàn kinh tế nhà nước thì phải công khai, minh bạch thông tin như các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán để người dân còn giám sát. Để xem, mức thu nhập của anh có xứng đáng với hiệu quả điều hành hay không”, tiến sĩ Trần Du Lịch nêu.
Ngoài ra, theo ông Lịch, việc tính lương, thu nhập với lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước nên theo hiệu quả, lợi nhuận của người lãnh đạo đó đem lại cho tập đoàn, mà không nên khống chế trần.
“Người ta chỉ e, lãnh đạo tập đoàn có thể còn chưa xứng với thu nhập đó do doanh nghiệp còn được bao cấp về đầu vào, vốn chủ sở hữu chưa đánh giá hết. Chứ nếu tính hết, hiệu quả, lợi nhuận của anh chưa chắc đã cao. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng cùng với cơ chế lương, thưởng của lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước hợp lý thì nó phải đi cùng với sự công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Lịch nhấn mạnh.
Bình luận (0)