Ông Tây là Benjamin James Park, 34 tuổi, quốc tịch Úc, sống ở Việt Nam đã 9 năm. Benjamin (thường được gọi thân mật là Ben) có nuôi một chú chó nhỏ, ngày ngày, Ben dắt chú chó đi bộ quanh bán đảo Linh Đàm, thấy rác bẩn là cúi xuống nhặt ngay.
Ben bảo, anh không làm việc trong ngành môi trường nhưng rất quan tâm đến lĩnh vực này, anh và các bạn hay đi gom rác, thấy ai vất rác bừa bãi là nhắc nhở. Tình yêu môi trường cũng cho Ben nhiều kỷ niệm khó quên, đó là lần thấy một thanh niên đái bậy, anh nhắc luôn và… suýt bị người này rượt đánh.
tin liên quan
'Ông Tây' chụp ảnh bao cao su nổi trắng hồ Linh Đàm: 'Tôi rùng mình'Sáng 22.11, những tấm ảnh bao cao su, băng vệ sinh nổi trắng hồ Linh Đàm, Hà Nội lan truyền trên facebook đã khiến người xem rùng mình ghê sợ. Người chụp chúng là Benjamin James Park, một người Úc đang sinh sống tại Việt Nam.
Ben là ông Tây thứ 2 gần đây “nổi tiếng” vì những hành động đẹp cho môi trường Việt Nam. Trước Ben là James Joseph Kendall, đến từ Mỹ, giáo viên tại một trường tiểu học tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Một ngày chủ nhật hồi tháng 5 vừa qua, James Joseph Kendall cùng những người bạn của mình dọn dẹp mương thối ở địa chỉ 381/55/4 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, Cầu Giấy.
Từ một con mương nước đen sì, rác ngập ngụa, dưới bàn tay của ông Tây James, con mương đã sạch sẽ đi phần nào. Trò chuyện thêm mới biết, James yêu môi trường, anh cùng bạn bè trong nhóm Giữ sạch Hà Nội (Keep Hanoi Clean) thường xuyên tổ chức các buổi thu gom rác. Trên đường đi, gặp những cây xanh bị bỏ lăn lóc, James mang về trồng quanh nhà. Nhiều người Việt Nam thấy James làm như vậy thì cười, có người nói thầm, “bọn Tây dở hơi”.
|
Dọc đường tác nghiệp, chúng tôi thường xuyên gặp những ông Tây lạ lùng, cứ thích “dở hơi” như thế. Một ông tên Julian, quốc tịch Thụy Sỹ, một ông là Denisl, quốc tịch Úc, hai ông Tây sống lâu năm ở Việt Nam cứ thay phiên nhau làm thầy giáo.
Đều đặn chiều thứ 6 hằng tuần ghé lại quán nước chè bé bí tẹo trước số nhà 24C Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm của chú lùn Đinh Văn Phú để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh, sinh viên. Lớp học không phải ngày một ngày hai, đến nay cũng đã được 8, 9 năm, số học sinh trưởng thành từ lớp học vỉa hè của những ông Tây đến nay có người đã lấy vợ lấy chồng, làm ở những công ty phải nói tiếng Anh như gió.
Mới hôm trước, tôi gặp ở một quán cà phê cổ số 89 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm một chàng Tây khác, dễ thương vô cùng. Anh người Mỹ, có cha tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ám ảnh về những ký ức chiến tranh của người cha, anh quyết định sang Việt Nam để đi, để sống, học tiếng Việt và tìm hiểu chính lịch sử, văn hóa của đất nước mà cha anh đã từng cầm súng, dội bom.
Đi đâu, anh cũng cầm theo một cuốn sách, mấy hôm nay là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Anh nói tiếng Việt sành sỏi, thuộc lịch sử Việt Nam làu làu, chàng trai Mỹ đang nghiên cứu viết một luận văn về hòa thượng Thích Quảng Đức, người tự thiêu trên đường phố Sài Gòn năm 1963.
|
Chàng Tây trông bụi bặm và giản dị ấy, ít ai ngờ là một giảng viên một đại học của Mỹ, hiện nay đều đặn được mời về trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, giảng dạy những tiết học về lịch sử mỹ thuật Việt Nam trong mối liên hệ và ảnh hưởng từ Pháp, Mỹ.
Những người bạn Tây, bằng những việc làm theo họ là “nhỏ như con thỏ” nhưng khiến nhiều người trong chúng ta đỏ mặt vì thẹn. Con đường là của người dân Việt Nam, hàng cây là của người Việt Nam, tại sao chúng ta không biết giữ gìn để nó sạch và xanh. Lịch sử Việt Nam, tôi xin cá rằng chàng Tây ở quán cà phê 89 Mã Mây siêu hơn rất rất nhiều bạn trẻ đất nước này, trong đó có cá nhân tôi.
Dĩ nhiên, chẳng phải ông Tây nào sang Việt Nam cũng dễ thương như Benjamin James Park, James Joseph Kendall, Julian, Denisl hay chàng Tây giỏi sử Việt như tôi vừa kể ở trên. Tôi từng tận mắt nhìn những khách Tây khoác ba lô trong phố cổ Hà Nội ăn kẹo cao su xong nhổ toẹt xuống đường, tè bậy, hay giở cả chiêu trò ăn xin để có tiền tiêu xài. Nhiều ông láu cá, nghĩ ra một cách kiếm tiền khá nhanh là xách xô xà phòng ra đứng ở ngã tư có đèn xanh đèn đỏ, cứ thấy xe ô tô tới là lau kính nhiệt tình, mỗi xe xin 10.000 đồng, gặp xe sang hơn, người ta cho cả 20.000, 50.000 đồng, mỗi ngày đứng đường, ông Tây kiếm được tiền triệu.
Cuộc sống là muôn màu, tôi không dám khen chê ai, vì bản thân mình cũng là chưa hoàn hảo. Nhưng những cái đẹp, cái tốt lành của người nước ngoài nên được nhân lên. Học ông Tây này thấy rác nhặt bỏ vào thùng, học ông Tây kia thấy cây xanh bỏ phí thì mang về trồng; học chàng Tây này cách say mê lịch sử Việt Nam, học anh Tây kia cách nhân ái hơn với mỗi em bé trên đời. Được như vậy, cuộc sống quả thật đẹp tươi hơn nhiều lắm…
tin liên quan
‘Ông Tây nhặt rác’ được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái“Ông Tây nhặt rác” James Joseph Kendall và nhóm Keep Hanoi Clean đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Việc làm vì tình yêu Hà Nội, hôm nay 8.9.
Bình luận (0)