Tài xế Uber kêu cứu, Bộ GTVT khẳng định ‘sẽ tiếp sức’

29/03/2018 19:09 GMT+7

Khẳng định quan điểm không để tình trạng độc quyền kinh doanh vận tải, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT cũng cho biết sẵn sàng đối thoại “tiếp sức” cho tài xế Uber .

Tại cuộc họp báo quý 1 của Bộ GTVT chiều nay 29.3, liên quan việc Uber sáp nhập vào Grab ở thị trường Đông Nam Á khiến nhiều khách hàng lo ngại hãng taxi công nghệ Grab độc quyền, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, việc Uber sáp nhập vào Grab, các bộ, ngành đều có quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, được điều chỉnh bằng luật Cạnh tranh.
Theo đó, Bộ Công thương là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về thương vụ Uber sáp nhập vào Grab. Hiện, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin cũng như toàn bộ tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber. Đồng thời, phía Grab cần cung cấp đầy đủ hợp đồng mà hãng mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Quan điểm của Bộ GTVT là phối hợp với các bộ, ngành theo sát thương vụ này của Grab, không để tình trạng độc quyền kinh doanh vận tải, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, phải xác định Uber, Grab là giải pháp công nghệ, cung cấp cho đơn vị thực hiện kinh doanh vận tải. Ở Việt Nam đã áp dụng và cho thí điểm, việc Uber sáp nhập vào Grab là hoạt động của doanh nghiệp, chiếu theo luật doanh nghiệp, họ hoàn toàn có quyền làm điều đó.
Ông Đông khẳng định, không lo ngại việc Grab độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, bởi sau 2 năm thí điểm, không chỉ có Uber, Grab mà còn khoảng 10 hãng cũng sử dụng ứng dụng phần mềm điện tử gọi xe. Việc cạnh tranh giữa Uber, Grab kết thúc nhưng việc cạnh tranh giữa nhà cung cấp phần mềm vẫn còn.
Tuy nhiên, trước tình trạng tài xế Uber kêu cứu, thậm chí bán xe vì lo lắng hướng đi tiếp theo của mình, ông Đông cho biết, Bộ GTVT sắp sàng tiếp sức các tài xế trên tinh thần đồng cảm, chia sẻ. Bộ GTVT sẽ giao Vụ Vận tải quản lý, điều chỉnh vấn đề này trong việc sửa đổi nghị định 86 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.