Tăng lương nhưng chưa có tiền

02/11/2016 08:00 GMT+7

Do ngân sách T.Ư năm nay tiếp tục hụt thu (dự kiến 8.000 - 12.000 tỉ đồng), quỹ tăng lương không được bổ sung, nên các bộ, ngành và địa phương phải tự cân đối, sắp xếp dựa trên dự toán được giao.

Chính phủ đề xuất, từ 1.7.2017 sẽ tăng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức lên 1,3 triệu đồng/tháng, nhưng thảo luận tại hội trường ngày 1.11, đại biểu Quốc hội băn khoăn tiền ở đâu để tăng khi ngân sách đang khó khăn, bộ máy cồng kềnh, bội chi và nợ công đang khá căng thẳng.
Tự bố trí nguồn tăng lương
Trong ngày 1.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường nhiều nội dung như: kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu huy động, sử dụng vốn và quản lý nợ công; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; tình hình ngân sách nhà nước... Đáng chú ý là vấn đề tăng lương trong bối cảnh túi tiền ngân sách teo tóp.
2,8 triệu cán bộ, trong đó chỉ có 500.000 cán bộ công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu công chức, viên chức còn lại phải tính theo Nghị quyết 16 tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra. Có như vậy mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

Theo đề án Chính phủ trình QH cho ý kiến, từ 1.7.2017 sẽ tăng mức lương cơ sở thêm 7% (đạt mức 1,3 triệu đồng/tháng). Việc tăng lương nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức trong bối cảnh giá cả tăng cao, đời sống gặp không ít khó khăn và mặt bằng lương cũ còn chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, do ngân sách T.Ư năm nay tiếp tục hụt thu (dự kiến 8.000 - 12.000 tỉ đồng), quỹ tăng lương không được bổ sung, nên các bộ, ngành và địa phương phải tự cân đối, sắp xếp dựa trên dự toán được giao.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) góp ý, qua tiếp xúc cử tri đại đa số đều mong muốn được chia sẻ khó khăn và đề nghị Chính phủ thực hiện lời hứa, triển khai lộ trình tăng lương như đã đề ra. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, tăng lương chắc chắn sẽ có tác động. Nhưng theo ĐB, việc cần làm ngay là phải tinh giản biên chế, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) hoan nghênh Chính phủ đề xuất này song phân tích thêm, lương cơ sở trong khu vực nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu trước đây, thực hiện cùng với khu vực sản xuất, sau này tách ra khu vực sản xuất kinh doanh thì xác định tiền lương tối thiểu theo vùng và được điều chỉnh vào ngày 1.1 hằng năm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động. Trong khi đó, tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức lại không thực hiện như vậy. “Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ điều chỉnh mỗi năm tăng 7 - 8% nhưng ngân sách sẽ lấy từ đâu. Chúng ta không thể điều chỉnh tăng tiền lương theo cách như thế này được”, ĐB Lợi băn khoăn.
Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Tài chính có tới 47 địa phương vẫn đang phải sống nhờ “bầu sữa” ngân sách, để các địa phương tự cân đối, bố trí chắc chắn nhiều nơi sẽ không có nguồn để tăng lương. ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính nên có chủ trương phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất các tỉnh có phần tăng thu để chi cho đầu tư phát triển, có nguồn lực thực hiện các chính sách do T.Ư ban hành là tăng lương, cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức.
ĐB Bùi Sỹ Lợi tiếp tục kiến nghị, Chính phủ phải quyết tâm cao giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường. “2,8 triệu cán bộ, trong đó chỉ có 500.000 cán bộ công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu công chức, viên chức còn lại phải tính theo Nghị quyết 16 tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra. Có như vậy mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nói.
Quá nhiều dự án bị lãng phí
Góp ý về tình hình đầu tư công, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi tình hình quản lý kiểm soát để khắc phục thực trạng dàn trải kém hiệu quả và lãng phí đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần xem xét thận trọng một số vấn đề. Trong giai đoạn đầu kỳ của kế hoạch đầu tư công năm 2011 - 2012, Thủ tướng có Chỉ thị 1792 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát giãn, dừng lại các công trình trong điều kiện nguồn vốn khó khăn.
Theo tinh thần đó, nhiều công trình đang triển khai phải giãn tiến độ. Bình Thuận có công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka-Pét đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2011. Năm 2012, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được bổ sung vốn để thi công, vì vậy công trình không có hệ thống kênh mương. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) đề nghị, Chính phủ phải chỉ ra được trên thực tế có bao nhiêu dự án hoạt động không hiệu quả, bao nhiêu dự án sử dụng vốn nhà nước bị thua lỗ, bao nhiêu dự án gây thất thoát, lãng phí, bao nhiêu dự án cần đề nghị điều tra, truy tố... Có như vậy thì mới quy được trách nhiệm và khắc phục được vấn đề không lặp lại trong tương lai.
Trong khi nhiều dự án cần thiết, cấp bách đói vốn thì ĐB Phương điểm một loạt dự án do DNNN đầu tư thua lỗ, thất thoát vốn như: Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn gấp đôi từ gần 4.000 tỉ đồng lên 8.100 tỉ đồng, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỉ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp... “Báo cáo một cách chung chung định hướng vẫn chỉ là “bắn chỉ thiên”, không quy được trách nhiệm cá nhân”, ông Phương băn khoăn.
Nợ công tăng nhanh
Giải trình trước QH về vấn đề nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian 2011 - 2015 đánh giá của các ĐB nợ tăng nhanh là hoàn toàn chính xác. Nhìn lại tại thời điểm 2001 nợ công là 36,5%, năm 2005 là 40,8%, năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,2% GDP. Về quy mô năm 2015 nợ công khoảng 2,6 triệu tỉ đồng gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần năm 2001. Trong thực hiện hằng năm Chính phủ phải đáo nợ, năm 2013 đáo nợ 47.000 tỉ đồng, năm 2014 là 106.000 tỉ đồng, năm 2015 là 125.000 tỉ đồng và năm nay 2016 là 95.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.